- Theo Phó giám đốc UNDP tại Việt Nam Christophe Bahuet, cải cách đội ngũ cán bộ, công chức phải là ưu tiên hàng đầu trong công cuộc CCHC 10 năm tới.

Ngày mai (2/6), tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ Nội vụ trình dự thảo chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011 - 2020.

VietNamNet trò chuyện với Phó giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Christophe Bahuet. UNDP đã  hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho những sáng kiến CCHC từ đầu những năm 1990 ở cả cấp quốc gia và bộ, ngành, địa phương, như xây dựng chương trình CCHC giai đoạn 2001-2010, đánh giá độc lập về kết quả thực hiện kế hoạch tổng thể này, mô hình bộ phận một cửa, cải cách chính quyền địa phương…

Dự án "Tăng cường năng lực các cơ quan Chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính" do UNDP tài trợ cho Bộ Nội vụ đã được thực hiện từ năm 2009, dự kiến kết thúc vào tháng 4/2012 với tổng kinh phí tài trợ 3,8 triệu USD.

Ông Christophe Bahuet: Cần có cơ chế tuyển dụng công chức, đãi ngộ và thăng tiến dựa trên giá trị và đánh giá phẩm chất

Ông Bahuet cho hay, hiện Liên hợp quốc tại Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch chung giai đoạn 2012 - 2016. Trong đó, quản trị công và tăng cường sự tham gia của người dân là một trong ba lĩnh vực chính trong kế hoạch này.

Thưa ông, vậy dự kiến hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ tập trung vào những nội dung nào?

Kế hoạch chung của Liên hợp quốc tại Việt Nam có thể sẽ bao gồm những hoạt động liên quan tới CCHC như xây dựng năng lực, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch, đồng thời khuyến khích sự phản hồi và tham gia của người dân.

Trước mắt, hỗ trợ của UNDP sẽ tập trung vào hai lĩnh vực chính.

Thứ nhất là xây dựng hệ thống theo dõi đánh giá CCHC, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công ở một số lĩnh vực cơ bản như y tế và giáo dục, bao gồm cả các cơ chế để đảm bảo sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự…

Bên cạnh đó, chúng tôi dự kiến hỗ trợ các thảo luận ở cấp chính sách dựa trên kết quả của các báo cáo nghiên cứu mang tính thực chứng. Bộ chỉ số đánh giá Quản trị công và CCHC (PAPI) mà UNDP phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng (CECODES) và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và thí điểm 3 năm vừa qua là một ví dụ về sáng kiến của UNDP trong việc đánh giá kết quả CCHC ở các địa phương từ góc nhìn của những người dân trực tiếp sử dụng dịch vụ của các cơ quan hành chính.

Thứ hai là tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ công chức thông qua việc cải cách về tổ chức bộ máy, công tác đánh giá cán bộ, cải cách chế độ tiền lương.

Được biết trong khuôn khổ dự án hỗ trợ CCHC của Bộ Nội vụ do UNDP tài trợ, UNDP đã phối hợp với Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR) tổ chức cuối tuần trước một buổi họp tham vấn về dự thảo chương trình CCHC giai đoạn mới. Theo ông, các tổ chức xã hội có thể đóng vai trò gì trong chương trình CCHC này?

Các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của những quốc gia phát triển. Tôi cho rằng trong quá trình xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích sự tham gia của những nhóm đối tượng không thuộc các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các tổ chức như GPAR từ việc xây dựng chương trình CCHC, xác định mục tiêu, giải pháp, tổ chức, kiểm tra thực hiện và đánh giá kết quả CCHC.

UNDP sẵn sàng hỗ trợ qua trình tham vấn này bằng các hoạt động tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành cùng những đối tượng của chính sách.

Nếu được phía Việt Nam hỏi một câu duy nhất: 10 năm tới, Việt Nam nên dứt điểm làm việc gì để cải cách thật sự hiệu quả, thì câu trả lời của ông sẽ là?

Câu trả lời của tôi là, Việt Nam nên ưu tiên cải cách đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt xây dựng một cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thăng tiến dựa trên giá trị và đánh giá phẩm chất, vì họ mới là động lực chính thực hiện và tạo ra sự thay đổi.

Anh Thư

TIN BÀI LIÊN QUAN: