Trưởng văn phòng công chứng đầu tiên của Hà Nội, TS luật Lê Quốc Hùng quyết định tự ứng cử sau khi chứng kiến không khí dân chủ, sôi động của QH khóa 12.

- Trở thành ĐBQH sẽ cho ông thêm lợi thế và điều kiện gì để đóng góp cho đất nước và nhân dân so với công việc hiện nay của ông?

Trước đây tôi tìm hiểu cuộc sống và suy nghĩ của nhân dân vì mục đích nghề nghiệp, nhưng nếu là ĐBQH, tôi phải làm việc đó với trách nhiệm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngược lại, tư cách ĐBQH cũng sẽ cho tôi thêm điều kiện thâm nhập sâu hơn vào đời sống, đặc biệt là các vụ việc cần giải quyết, các cơ quan sẽ không thể từ chối cung cấp thông tin. Đó là lý do tôi thiết tha trở thành ĐBQH.

- Công việc ở văn phòng công chứng của ông hiện cũng rất bận rộn. Nếu trở thành ĐBQH, ông có thể cân đối thời gian cho QH và công việc chuyên môn không?

Tôi hứa sẽ cân đối thời gian, mà không phải là hứa suông: Tôi sẽ tăng cường công chứng viên cho văn phòng để có thể dự họp QH cả tháng, hoặc hàng ngày có thời gian nhất định đi tìm hiểu các vụ việc của dân. Điều này làm được hay không là do bản thân mình thôi.

Nếu mình tâm huyết, thực sự có năng lực, trình độ, dân sẽ bầu mình. Ảnh: Thủy Chung
- Ông có ấn tượng đặc biệt về ĐB nào trong QH hiện nay không?

Với không khí dân chủ và sôi động của nghị trường, đặc biệt là các phiên chất vấn, QH những khóa gần đây đã xuất hiện nhiều ĐB tâm huyết, dũng khí và có nhiều ý kiến xác đáng như ĐB Nguyễn Quốc Thước ở Nghệ An, GS. Nguyễn Lân Dũng, ĐB Nguyễn Minh Thuyết ở Lạng Sơn, ĐB Trần Thị Quốc Khánh của Hà Nội, ĐB Trần Du Lịch của TP.HCM…

- Dũng khí đó đúng là rất cần, nhất là khi ĐBQH làm việc với các cơ quan công quyền, hành pháp về những khiếu nại, tố cáo của người dân. Ông có ngại động chạm trong những trường hợp đó không?

Tôi không ngại động chạm. Nếu đòi hỏi của dân là hợp pháp và chính đáng, mà để xác định điều này, tôi có nhiều lợi thế hơn so với các ĐB khác vì đã làm luật sư lâu năm, tôi sẽ đấu tranh cho họ. Không chỉ chuyển đơn thư, tôi còn có thể bày cách, hướng dẫn thủ tục để làm sao bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trước những đòi hỏi chưa hợp pháp, tôi cũng có thể giải thích và thuyết phục người dân để họ làm đúng pháp luật.

Trước giờ tôi vẫn tiếp dân, nhưng chỉ ở trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nếu trở thành ĐBQH, tôi sẵn lòng tiếp dân ở nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tượng, bất cứ lúc nào.

Tôi không phải đảng viên, nhưng nếu trúng cử, tôi sẽ là một ĐB ngoài Đảng hết lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, vì Đảng là của nhân dân và dân tộc Việt Nam.

- Ông có lường trước những khó khăn sẽ gặp phải trên con đường tự ứng cử không?

Biết sẽ có những khó khăn, nhưng tôi xác định dấn thân. Ở tuổi 58, dấn thân để tăng cường trải nghiệm không phải vấn đề lớn. Nhưng tôi tràn trề hy vọng. Chứng kiến không khí dân chủ, sôi động của QH khóa vừa rồi, tôi có thêm niềm tin.

Suy cho cùng, chất lượng mới là quyết định, nếu mình tâm huyết với dân, với QH, thực sự có năng lực, trình độ và có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dân sẽ bầu mình. Nếu dân không bầu, đó cũng là lời nhắc nhở mình phải cố gắng hơn nữa trong đời sống cộng đồng.

Thay đổi cách làm luật

- Bên cạnh lĩnh vực của mình là công chứng, là một nhà nghiên cứu luật, ông có thể đóng góp vào việc xây dựng các bộ luật nào nếu trở thành ĐBQH?

Tôi quan tâm trước hết đến luật giáo dục. Hơn 30 năm lăn lộn với nghề luật cũng là hơn 30 năm tôi lăn lộn với nghề giảng dạy và tuyên truyền pháp luật. Tôi muốn dùng các cơ chế pháp lý để tăng cường trách nhiệm của cả người dạy và người học.

Người học cần có trách nhiệm khi chọn trường, cân nhắc chứ đừng chọn ào ào theo phong trào. Người dạy cũng phải hiểu trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước, những con người họ đào tạo ra sau này nếu chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển.

Luật thứ hai mà tôi quan tâm là luật phòng chống lãng phí. Chúng ta đang lãng phí ghê gớm, từ thời gian đến tài nguyên thiên nhiên. Thay vì gìn giữ tài nguyên để đầu tư, chế biến thành những sản phẩm chất lượng cao, có thể xuất khẩu thu lợi nhuận lớn, ta lại chỉ đơn thuần khai thác rồi xuất khẩu thô. Ta đang bắt đầu phải trả giá cho sự lãng phí đó, than đá nước ta nhiều như vậy mà chỉ vài năm nữa ta sẽ phải nhập khẩu than. Đầu tư xã hội cũng đang bị lãng phí vì dàn trải, hiệu quả thấp.

Luật phòng chống tham nhũng cũng cần được xây dựng theo hướng ngay trong luật đã có những cơ chế kiểm soát lẫn nhau, bản thân luật phải buộc được các nhà quản lý hạn chế tham nhũng. Nếu có thể, tôi muốn bằng kiến thức luật của mình, cùng với những ĐB am hiểu pháp luật khác, thảo luận sâu, xây dựng luật phòng chống tham nhũng khả thi trong thực tiễn.

- Nếu trở thành ĐBQH, ông có tham vọng đề xuất lên một bộ luật có thể mang tên mình không?

Đòi hỏi như vậy là quá cao đối với một người, đặc biệt là ở nước ta. Nhưng hợp lực một số ĐB vừa tâm huyết, vừa am hiểu pháp luật, tập trung soạn thảo luật, lại là điều khả thi. Đó là thử làm cách khác hiện nay là giao Chính phủ, và dưới đó là các bộ, soạn luật.

Tôi tin rằng nếu được giao phó, những ĐB như thế sẽ “lăn" ra mà làm, để chứng tỏ cho QH và nhân dân thấy nước ta cũng có những người làm luật giỏi. Tôi chưa dám nghĩ đến những đạo luật mang tên một người, nhưng sao lại không thể có những luật mang tên “nhóm nghị sĩ am hiểu pháp luật”.

Thủy Chung