- Bất chấp cảnh tượng tàn phá, hủy diệt tới kinh hoàng, Nhật Bản sau thảm họa động đất – sóng thần vẫn có thể nổi lên với một thương hiệu quốc tế mạnh hơn khi quốc gia ấy, người dân ấy kiên cường vượt khó.


Người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm bên ngoài một siêu thị tại Shiogama Ảnh: Getty Images

Các đài truyền hình khắp thế giới phát đi nhiều hình ảnh về địa chấn, sóng thần vùi dập, san bằng nhiều ngôi nhà, cuốn đi xa ô tô, tàu thuyền như đồ chơi con trẻ, những người sống sót bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng thậm chí trong cả cơn ác mộng họ cũng chưa từng gặp.

Nhưng, tin tức, hình ảnh của mọi phương tiện truyền thông thế giới còn truyền tải một thông điệp khác – người Nhật Bản thể hiện sự bình tĩnh khi họ tìm kiếm thân nhân mất tích hay chờ đợi để có được hàng hóa thiết yếu. Không trộm cắp hay bạo lực, thậm chí khi người dân xếp hàng dài ở những cửa hiệu đã cạn kiệt nguồn hàng.

Hàng loạt blog tiếng Anh đã đưa ra các bình luận về sự kiên cường, chịu đựng trong nghịch cảnh của người Nhật, họ tự hỏi phản ứng ở các quốc gia phương Tây sẽ thế nào nếu thảm cảnh tương tự xảy ra.

Giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard nói rằng, thảm họa có thể đem lại ích lợi cho “sức mạnh mềm” của Nhật Bản – một thuật ngữ ông dùng để mô tả về những quốc gia đạt được mục tiêu bằng cách thu hút các nước khác. "Cho dù thảm họa là vô cùng to lớn, nhưng sự kiện đáng buồn này về phần nào đó đã thể hiện được những đặc tính rất đáng ngưỡng mộ của Nhật Bản và vì thế, nó giúp củng cố và tăng cường sức mạnh mềm của họ”, ông Nye cho biết.

"Ngoài sự đồng cảm có thể mang lại, nó còn thể hiện về một xã hội ổn định, hành xử văn minh, đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh, trật tự”, ông nói.

Mặc dù Nhật là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng chỉ tính riêng Mỹ đã viện trợ hơn 22 triệu USD cho nước này kể từ trận động đất 9 độ richter xảy ra hôm thứ Sáu, theo thống kê của các nhóm viện trợ.

Trong khi hầu hết các quốc gia đều nhận được sự đồng cảm ở mức độ con người từ cộng động quốc tế khi họ phải trải qua thảm họa, thì danh tiếng của nước ấy lại hiếm khi được hưởng lợi như vậy. Pakistan đã nhận viện trợ từ Mỹ và nhiều nước khác trong năm ngoái khi trải qua những trận lụt lớn. Tuy nhiên, ngân quỹ từ các cá nhân hay tổ chức cứu trợ nước ngoài đến rất chậm đã chỉ ra các vấn đề hình ảnh của Pakistan.

Trung Quốc và Haiti cũng đối mặt với nhiều chỉ trích về cách xử lý của chính phủ trong các trận động đất năm 2008 và năm ngoái.

Một số chuyên gia tin rằng, cơn địa chấn kinh hoàng có thể làm thay đổi câu chuyện, thậm chí là tái sinh hình ảnh của Nhật sau nhiều năm nước này bị coi là quốc gia trì tệ về kinh tế, dân số già hóa và bất ổn trong bộ máy chính phủ.

"Câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể đối phó với những gì cần thiết, để đổi mới và hồi sinh kinh tế”, Nicholas Szechenyi, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứ Chiến lược và Quốc tế, nhấn mạnh. "Còn quá sớm để đưa ra bất cứ dự đoán nào, nhưng tôi nghĩ tới thời điểm này, dường như người Nhật đang thể hiện khả năng phục hồi trong một cuộc khủng hoảng. Tôi nghĩ có thể nói rất nhiều về Nhật Bản trong những ngày, những tuần tới”.

Tuy nhiên, sau động đất và sóng thần, Nhật Bản giờ đây đang chịu sự giám sát chặt chẽ về sự an toàn của ngành công nghiệp hạt nhân khi những vụ nổ xảy ra tại nhà máy Fukushima. Các nhà phê bình điện hạt nhân đã coi cuộc khủng hoảng tại Nhật là lý do để ngừng các hoạt động phát triển điện hạt nhân, trong khi những người ủng hộ năng lượng nguyên tử tại Mỹ thì đưa ra kêu gọi xem xét mức độ an toàn.

Gạt sang bên vấn đề hạt nhân, báo chí và cộng đồng quốc tế đã không tiếc lời ngợi ca việc chuẩn bị đối phó cũng như phản ứng với thảm họa của Nhật. Thượng nghị sĩ Mỹ Jon Kyl của Arizona khẳng định, ông “rất ấn tượng” với sự ứng phó động đất của người Nhật. "Có thể chỉ ra ở đây là, Nhật Bản đã làm một việc phi thường để ngăn ngừa thảm họa”, Kyl nói với báo chí.

Tờ National Post của Canada bình luận, sự nhìn xa của Nhật đã cứu sống tính mạng của vô số người. "Không giống như ở Haiti (2010), Pakistan (2005) hoặc Tứ Xuyên (2008), những hồ sơ ghi số người chết trở nên thừa thãi bởi các tòa nhà, căn hộ lập tức đổ sập ngay trên đầu người cư ngụ”, tờ báo đưa ra so sánh.

Còn theo Nhật báo phố Wall thì: "Sau cơn địa chấn hủy diệt, người Nhật đã giữ được sự bình tĩnh giữa chao đảo, hỗn loạn; tổ chức một chiến dịch cứu trợ và cứu hộ khổng lồ, và nói chung đã giành được sự ngưỡng mộ của thế giới”.

  • Thái An (Theo Theage)