- "Thành viên Chính phủ tham gia Quốc hội hóa ra vừa đá bóng, vừa thổi còi. Thử hỏi bận rộn như vậy thì có bao nhiêu vị bộ trưởng ngồi họp Quốc hội đầy đủ?", ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ý kiến, tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bàn cơ cấu, số lượng ứng cử ĐBQH diễn ra sáng nay (23/2).

Sau khi Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên trình bày dự kiến phân bổ cơ cấu ĐBQH khóa XIII, các thành viên Ủy ban tranh luận sôi nổi việc nên thêm "ghế" nào, bớt "chỗ ngồi" của ai.

Trừ một đại diện tôn giáo xin bớt ghế thành phần tôn giáo trong QH để nhường suất cho các doanh nghiệp, hầu hết đại diện các hiệp hội đều mong muốn bổ sung thành viên hiệp hội mình. Trong khi đó, hầu hết ý kiến thành viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều đề nghị giảm bớt đại biểu là bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, giám đốc sở, tăng đại  biểu ngoài Đảng, người tự ứng cử...

Tai nghe mà đầu không nghĩ

"Tôi nhận thấy bản thân mình cũng có tội với dân vì làm ĐBQH suốt khóa XI nhưng lại không dành được 50% cho hoạt động QH vì bận việc kinh doanh", ông Võ Quốc Thắng (Hiệp hội doanh nhân trẻ) nói trước hội nghị.

Ông Võ Quốc Thắng: Ai đã làm ĐBQH thì phải làm tròn trách nhiệm, họp hành đầy đủ...
Ông Thắng cho hay, suốt thời gian họp QH, tuần nào ông cũng phải bay đi bay về giữa Hà Nội - Long An để giải quyết chuyện kinh doanh. Nhiều ĐBQH là trưởng ngành cả ở Trung ương, địa phương cũng thường xuyên vắng mặt, "hoặc là họ ngồi họp nhưng tai nghe mà đầu không nghĩ vì bận lo chuyện kinh tế, bão lụt, giá cả tỉnh nhà", ông Thắng kể lại.

Theo ông Phạm Minh Tuyên, dự kiến khóa tới sẽ bầu 29 đại biểu đại diện cho khối Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp, gồm Thủ tướng, bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh.

Nhưng nhiều ý kiến từ phía MTTQ như ông Đỗ Duy Thường, Lưu Văn Đạt... đề nghị chỉ bầu vào QH một số đại diện như Thủ tướng, Phó Thủ tướng... để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", lại thêm việc và thêm vất vả. Bởi thực tiễn các vị trưởng ngành cả Trung ương và địa phương tuy có một ghế trong QH nhưng chẳng mấy lúc đi họp do bận trăm công nghìn việc, chưa kể khi người dân hiếm khi thấy một chủ tịch tỉnh phát biểu hay chất vấn điều gì trên hội trường.

Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Trần Hoàng Thám thẳng thắn: "QH mạnh là phải có những đại biểu đủ điều kiện về trình độ, năng lực, thời gian. Nên các cơ quan hành pháp cũng tự nguyện xin thôi bớt người đi. Tư tưởng của Đảng là một việc do 1 cơ quan làm và 1 người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nhưng xu hướng hiện nay theo cơ cấu hệ thống chính trị của mình là một người làm rất nhiều việc. Là chủ tịch tỉnh thì anh cứ nên làm chủ tịch cho ngon lành, để người khác làm đại biểu QH".

Ba lần đứng lên phát biểu để bảo lưu ý kiến, ông Võ Quốc Thắng liên tục khẳng định: "Mất bao nhiêu tiền thuế của dân để bộ máy bầu ra được một đại biểu, nên ai đã làm ĐB thì phải làm tròn trách nhiệm, họp hành đầy đủ, dành hết 100% thời gian. Dân không bầu anh vào QH để tai nghe luật mà đầu nghĩ chỗ khác. Cũng không có chuyện vừa làm việc nọ lại kiêm việc kia mà chất lượng vẫn cao".

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, vì QH mang tính đại diện nên vẫn cần thiết có sự tham gia của thành viên Chính phủ, và đã rút gọn tối đa chỉ còn 11 vị trưởng ngành đại diện cho các bộ an ninh, quốc phòng, kinh tế tổng hợp.

Nên có 10% tự ứng cử

Một mặt muốn giảm ĐBQH là lãnh đạo các ngành, mặt khác, thành viên MTTQ đề xuất tăng ghế cho người ngoài Đảng, ĐB tự ứng cử và doanh nhân.

  Ông Trần Hoàng Thám: Là chủ tịch tỉnh thì anh cứ nên làm chủ tịch cho ngon lành, để người khác làm đại biểu QH
Theo dự kiến, QH khóa XIII sẽ có 10 - 15% ĐB ngoài Đảng, đảm bảo tỷ lệ đảng viên trong QH vẫn phải đạt 90%.

Nhưng theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật Lưu Văn Đạt, nên "nới" rộng hơn. Bởi, chỉ cần 60% ĐBQH là đảng viên thì vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Chưa kể, tình hình nay đã khác, vì không phải nhân sĩ, trí thức nào cũng "ham" ứng cử Quốc hội. Mà ấn định tỷ lệ "cứng" như vậy sẽ chẳng khuyến khích được người có tâm, tài.

"Bây giờ, có lẽ chúng ta phải mời mọc may ra họ mới vào. Rất nhiều trí thức ngoài Đảng là những người giàu lòng tự trọng. Phải thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Chứ có tăng tỷ lệ lên 20% cũng không đủ người đâu", ông Đạt phân tích.

Hồ hởi vì "luồng gió dân chủ" từ Đại hội XI đang tỏa sáng trong Đảng và thổi lan đến dân, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn chủ tịch cũng cho rằng, tăng tỷ lệ người ngoài Đảng trong QH sẽ góp phần tăng không khí dân chủ trong xã hội. Tỷ lệ số dư khi bầu BCH Trung ương Đảng vừa qua có số dư chưa từng thấy. Không có lý do gì để kiến nghị tăng tỷ lệ ĐB ngoài Đảng đã nêu suốt nhiều năm nay (lên 20%) lại không được thực hiện.

Đã từng tham gia tổ chức 8 cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Đỗ Duy Thường đề nghị nên xét đến các ĐB tự ứng cử. "Nhiều người tâm huyết muốn ra ứng cử mà không dám bởi họ sợ không trúng. Hầu hết mọi người đều e dè khi nộp đơn xin tự ứng cử", ông Thường nói.

Nguyên trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Thám đề nghị đã đến lúc phải có 10% ĐB tự ứng cử và cách tổ chức phải bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa ĐB tự ứng cử và các ứng viên khác.

Nhiều ý kiến khác cũng mong có đại biểu là Việt kiều và có thêm đại diện doanh nhân trong QH, thay vì 4 ghế cho DNNN như dự kiến. Đặc biệt, tăng số lượng ĐB chuyên trách.

Đừng để tăng chỗ ngồi, tăng ô tô nhưng không tăng chất lượng

Trong khi đại diện nhiều hiệp hội chỉ mong có thêm 1 ghế cho ngành nghề mình, thì vẫn có không ít người đã có tỷ lệ cao trong cơ cấu (tôn giáo, phụ nữ) vẫn muốn tăng thêm.

Ông Nguyễn Túc: Bận rộn như vậy, có bao nhiêu bộ trưởng ngồi họp QH đầy đủ?
Ông Lù Văn Que (ủy viên đoàn Chủ tịch) nói, chỉ có 93 đại biểu người dân tộc thiểu số trong QH vẫn còn là quá ít. Mà xét thành phần người dân tộc thiểu số, phải cân nhắc tiêu chuẩn cho hợp tình hợp lý vì không thể đòi hỏi họ có bằng tiến sĩ, thông thạo tiếng Anh, vì bù lại họ có lòng yêu nước, trung thành với Tổ quốc (một trong các tiêu chí quan trọng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức TƯ - PV)

Nhưng như ý kiến của đa số thành viên Mặt trận, "quan trọng nhất là chúng ta có người tài giỏi", ông Trương Quang Phú nói. Cũng theo ông Phú, với ĐB chuyên trách cũng phải chọn người có năng lực, đừng để xảy ra tình trạng tăng chỗ ngồi, tăng ô tô nhưng chất lượng không tăng.

Trong điều kiện Luật sửa đổi bầu cử chưa thay đổi là bao, theo ông Lê Ngọc Dũng (Hội kim hoàn đá quý), rất cần làm rõ các điều kiện ứng cử, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực am hiểu pháp lý và trách nhiệm với dân: "Đừng nên vì cơ cấu mà bỏ qua tiếng nói đại diện cho dân, đặc biệt người dân lao động".

Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng cuối cùng, hội nghị đã thống nhất thông qua cơ cấu đại diện cho UB TƯ MTTQ và các tổ chức thành viên (31 người).

Sau hội nghị Hiệp thương hôm nay, Ủy ban Thường vụ QH sẽ có điều chỉnh về cơ cấu, thành phần. Sau đó, từ 4/3 đến 16/3, các cơ quan, tổ chức ở TƯ sẽ giới thiệu người ứng cử.

Dự kiến phân bổ số lượng, cơ cấu đại biểu quốc hội ở Trung ương và địa phương:
Tổng số đại biểu QH khóa XIII: 500 người. Số ĐBQH ở Trung ương: 183 (36,6%), địa phuơng: 317 (63,4%).

Phân bổ như sau:

A. Khối cơ quan Đảng: 34

- Trung ương (trong đó có báo Nhân dân): 11 người. Địa phương (Bí thư, thành ủy): 23

B. Khối Nhà nước:
1. Quốc hội và Hội đồng nhân dân: 196 đại biểu = 39,2%
- Đại biểu chuyên trách ở các cơ quan QH: 100 đại biểu = 20%, trong đó Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu
- Đại biểu chuyên trách ở đoàn ĐBQH: 65 đại biểu = 13%
- Hội đồng nhân dân: 31 đại biểu = 6,2%
2. Cơ quan Chủ tịch nước: 3 đại biểu = 6,2%
3. Chính phủ và UBND: 29 đại biểu= 5,8%
- Trung ương 20 đại biểu = 4%, trong đó CA, QĐ, TTXVN, ĐTHVN, ĐTNVN mỗi nơi 1 người.
- Địa phương: 9 đại biểu = 1,8% (UBND)
4. Lực lượng vũ trang:
Quân đội: 32 đại biểu = 6,4% trong đó TƯ 14 (2,8%), địa phương 18 (3,6%)
Công an: 14 đại biểu = 2,8% trong đó TƯ 2 (0,4%), địa phương: 12 (2,4%)
5. Cơ quan khối tư pháp: 17 đại biểu = 3,4%
C. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên: 82 đại biểu.

Còn lại, cơ cấu hướng dẫn do các địa phương tự phân bổ: 93 đại biểu (18,6%), bao gồm các lĩnh vực: Khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, lao động, thương binh - xã hội, y tế, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân…

Về cơ cấu kết hợp (gồm cả đại biểu trung ương và địa phương):

- Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 90 đại biểu = 18%
- Đại biểu là phụ nữ: 150 đại biểu = 30%
- Đại biểu là người ngoài Đảng (các địa phương căn cứ tình hình để có cơ cấu thích hợp): khoảng 10 - 15%
- Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40) khoảng 70 người = 14 %
- Đại biểu khóa XII tái cử khoảng 160 đại biểu = 32%

  • Lê Nhung - Ảnh: Hoàng Long

 

Cánh cửa tự ứng cử mở rộng với mọi người

Tối đa 20% đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng

Ngượng vì những ghế trống
Làm Thứ trưởng nói gì cũng khó
Đại biểu kiêm nhiệm: Bổ trợ thì ít, triệt tiêu thì nhiều