Ngày 10/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cụ thể, trong mùa khô năm 2023-2024 đã xảy ra xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) ở Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán, thiếu nước cục bộ tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ. 

Do đó, Bộ đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị 11. Trong đó, về bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể phù hợp với các vùng, khu vực đang và tiếp tục có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như:

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo của ngành trồng trọt không xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024 ở các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định; chỉ tổ chức canh tác khi đã xuất hiện mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định.

han man tru nuoc ben tre ng.jpg
Gia đình chị Thúy ở huyện Chợ Lách, Bến Tre tích trữ hơn 20 vại nước mưa, sử dụng trong sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Huế

Tiếp tục tổ chức vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy, trữ nước ngọt trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao, khu trữ nước phân tán,…; ưu tiên nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và duy trì sức sống tối thiểu cho cây ăn trái trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt do ảnh hưởng của xâm nhập mặn vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao; lưu ý giám sát chặt chẽ độ mặn trước khi cấp nước cho cây trồng.

Khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ: Cần rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là ở khu vực ngoài vùng công trình phụ trách tưới; lưu ý thực hiện giải pháp tích trữ nước phân tán, trường hợp nguy cơ bị thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi. 

Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến dòng chảy, xâm nhập mặn hệ thống sông Hồng – Thái Bình, khi điều kiện nguồn nước cho phép, tăng cường vận hành công trình thủy lợi để lấy nước tưới dưỡng cho lúa Đông Xuân và tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng để dành cung cấp trong thời gian dòng chảy sông bị thiếu hụt.

Khu vực Trung Bộ: Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, giảm thiểu ở mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tổ chức kiểm kê chặt chẽ nguồn nước trữ của từng công trình thủy lợi, tính toán cân đối khả năng cung cấp để xác định diện tích sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2024 phù hợp với khả năng nguồn nước, chỉ tổ chức sản xuất nông nghiệp khi nguồn nước bảo đảm cung cấp cả vụ; trường hợp xảy ra thiếu nước, ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác. 

Chủ động phối hợp với các chủ hồ chứa thủy điện và các cơ quan liên quan xây dựng, thống nhất kế hoạch điều tiết nước cho vùng hạ du các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2024, bảo đảm tiết kiệm nguồn nước, phù hợp khả năng lấy nước của công trình thủy lợi.

Vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ nước

Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, các cấp chính quyền tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ nước, xử lý nước trong trường hợp không có nước sạch và sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Huy động trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, như thiết lập các điểm cấp nước tập trung, bồn trữ nước, máy lọc nước, hóa chất xử lý nước,...

Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động, như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư…

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt, báo cáo UBND tỉnh cho phép khai thác vượt hạn mức theo giấy phép khai thác để đảm bảo đủ nước cấp cho sinh hoạt trong thời kỳ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện công tác khắc phục hạn, hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo phương châm 4 tại chỗ.

Lưu ý, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ cấp nước tự phát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng điều kiện thiếu nước sinh hoạt để trục lợi thông qua cấp nước sinh hoạt với giá cao.