Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn được hãng tin Sky News phát sóng hôm 28/2, Thủ tướng Kallas nói: “Chúng ta không nên sợ về sức mạnh của chính mình. Nga nói động thái này, hay động thái kia là leo thang, nhưng phòng thủ không phải là leo thang. Tôi muốn nói chúng ta nên cân nhắc tất cả các lựa chọn. Chúng ta có thể làm gì hơn nữa để thực sự giúp Ukraine giành phần thắng?”.

Theo bà Kallas, Nga “muốn đe dọa chúng tôi”, và khiến phương Tây “kiềm chế những quyết định mà chúng tôi sẽ đưa ra để ủng hộ Ukraine, sự đoàn kết của phương Tây, mọi thứ thực sự khiến Nga vô cùng khó chịu”. 

“Họ muốn chúng tôi sợ hãi. Và phản ứng duy nhất là chúng tôi không sợ hãi. Chúng tôi cần hành động theo những gì đúng đắn”, bà Kallas nói thêm. 

nato ukraine.jpg
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas kiểm tra tên lửa chống tăng Javelin trước khi chuyển tới Ukraine. Ảnh: Repubblica TV

Hồi đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố NATO không nên loại trừ việc điều quân tới Ukraine, hoặc bất kỳ lựa chọn nào khác. Hầu hết các thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng trên. 

Hiện tại chỉ có 2 nước là Estonia và Lithuania có những tuyên bố ám chỉ sự ủng hộ đối với ý tưởng của Tổng thống Macron nhằm tăng cường hỗ trợ cho Kiev ngoài việc cung cấp vũ khí, đạn dược và tiền bạc.

Hôm 27/2, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis kêu gọi NATO “suy nghĩ sáng tạo hơn”. Trong khi đó, bà Linas Linkevicius, đại sứ Lithuania tại Thụy Điển, cho biết NATO sẽ “vô hiệu hóa” vùng đất Kaliningrad của Nga, nếu Moscow “dám thách thức NATO”.

Estonia hiện có khoảng 4.200 binh sĩ tại ngũ. Về mặt lý thuyết, Estonia có thể mở rộng thành quân đội thời chiến lên 43.000 người.

Theo ước tính của Nga, trong 6 tháng tiến hành phản công vào năm 2023, Ukraine hứng chịu 125.000 thương vong. Chính phủ Ukraine thường đưa ra con số tổn thất thấp hơn so với Nga tuyên bố, nhưng vào tháng 12/2023, Tổng thống Zelensky cho biết Kiev cần thêm 500.000 quân ở mặt trận.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã gửi viện trợ tài chính, quân sự, và vật chất trị giá hơn 200 tỷ USD cho Kiev.  

Ukraine đã nhiều lần lên tiếng đề nghị các nước phương Tây hỗ trợ thêm tiền, vũ khí, và đạn dược như tên lửa chống tăng, pháo binh, bệ phóng tên lửa, hệ thống phòng không, xe tăng, và các tiêm kích hiện đại như F-16 do Mỹ sản xuất để đối phó với Nga. Moscow cũng đã vạch ra "giới hạn đỏ" với F-16 khi nhấn mạnh tiêm kích này có thể được trang bị bom hạt nhân.