Như VietNamNet đã thông tin, ngày 30/3, một quán trà sữa nằm trên đường Hồng Lĩnh (quận 10, TP.HCM) đăng tải video giới thiệu về món trà sữa hành lá. Sau 3 ngày, video thu hút gần 17 triệu lượt xem và hơn 64 ngàn lượt bình luận. Ban đầu, nhiều người cho rằng đây chỉ là trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư nhưng ngày 1/4, món này được đưa lên ứng dụng giao đồ ăn.

Món trà sữa hành lá được đăng bán với giá 49.000 đồng. Đi kèm phần đồ uống, cửa hàng để hành lá trong hộp riêng, ghi chú cho khách: "Chúc bạn ngày Cá tháng Tư vui vẻ, hành lá ăn chung với mì". Tuy nhiên, nhiều thực khách vẫn quyết định trải nghiệm món trà sữa kết hợp cùng hành lá y như video quán đăng tải.

Video về món trà sữa hành lá do quán đăng tải ngày 30/3

Theo chia sẻ của những bạn trẻ "mạnh dạn" trải nghiệm, món đồ uống này thực sự "ám ảnh". Vị hăng của hành lá sống không thể hòa chung được với hương vị béo và ngọt của trà sữa. Video về loại đồ uống này gây tranh cãi trái chiều, bị nhiều người đánh giá là "phá hoại nền ẩm thực" và "không tôn trọng đồ ăn". 

Tối ngày 31/3, không dừng lại ở trà sữa hành lá, quán trà sữa TP.HCM tung ra video món trà sữa ớt đỏ tên "trà sữa nóng nảy". Video tiếp tục gây tranh cãi trái chiều.

Chuyên gia nói gì?

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ ẩm thực, nhà hàng, ăn uống), người sáng lập chuỗi Pizza Home cho rằng, việc tung ra những sản phẩm mới mẻ, độc lạ, thậm chí "dị" như trà sữa hành lá chủ yếu để tạo hiệu ứng quảng cáo, nhắc nhở khách hàng về thương hiệu, chứ không nhằm mục đích bán sản phẩm này. Quán chọn thời điểm ngày 1/4 để đẩy mạnh hơn tương tác, suy luận thực - hư về sản phẩm của khách hàng.

"Cách làm này có thể gây tranh cãi, thậm chí phản cảm đối với một bộ phận khách hàng. Tuy nhiên cửa hàng có thể đạt được mục tiêu chính là thu hút sự chú ý tới thương hiệu của họ", ông Tùng nhận định.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành công ty truyền thông iGem cho rằng, việc tung ra video trà sữa hành lá là "chiêu trò" marketing của quán, nhằm tạo xu hướng trên Tiktok, từ đó lan tỏa, tăng độ nhận diện của thương hiệu. Khi nội dung video càng gây tranh cãi thì càng thu hút người xem. 

"Mỗi thương hiệu sẽ có đối tượng khách hàng khác nhau. Quán trà sữa này tập trung khai thác nhóm khách hàng trẻ nên việc tạo ra các sản phẩm độc, dị dễ dàng được chấp nhận, thậm chí hưởng ứng để lên xu hướng trên mạng xã hội. Xét về góc độ nào đó, đây là sự sáng tạo có hiệu quả của quán.

Tuy nhiên, cách marketing này không thể hiệu quả với nhóm đối tượng khách hàng trưởng thành, từ 30-35 tuổi trở lớn, có thu nhập cao. Sử dụng chiêu trò trong marketing thương hiệu thì thường không bền vững", ông Tú cho hay.

Theo ông Hoàng Tùng sự chú ý đến thương hiệu mới là bước 1 trong làm truyền thông lĩnh vực F&B. Những bước sau đó đòi hỏi cách truyền thông "chân chính" để nhận được cảm tình, sự tin tưởng từ khách hàng, dẫn tới sự chuyển đổi tích cực về doanh số. Điều này mới tạo nên sự gắn bó của khách hàng với thương hiệu.

"Những sản phẩm như trà sữa hành lá ngoài giá trị độc lạ thì không còn giá trị nào khác cho khách hàng. Nếu quán lạm dụng cách làm này sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực, phản ứng ngược", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, một số hương hiệu lớn, nổi tiếng, cũng từng tung ra thị trường những dòng sản phẩm mang tính chất độc lạ, để tạo sức hút truyền thông. Ví dụ KFC từng ra mắt nhang thắp hương có mùi gà vào dịp Tết Nguyên đán 2023 hay kem chống nắng mùi gà rán năm 2016. 

Đồng thời nhiều món ăn nghe lạ đời khi xuất hiện nhưng lại tồn tại được trên thị trường, có khách hàng ổn định như cà phê muối, đậu phụ thối. "Những sản phẩm độc lạ, nhưng có tệp khách hàng trung thành, thì vẫn sẽ tồn tại trên thị trường", ông Tùng nói.