HÌNH HÀI ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 HÀ NỘI SAU HƠN 10 THÁNG THI CÔNG 

Đường Vành đai 4 dài 112km đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh đang được đẩy mạnh thi công. Phần lớn dự án chạy qua khu vực đất ruộng.

Đoạn Vành đai 4 qua huyện Sóc Sơn

Đường Vành đai 4 Hà Nội có điểm đầu từ địa phận Sóc Sơn. Tuy phần đường chạy qua huyện này chỉ hơn 2km (địa bàn 2 xã Tân Dân và Thanh Xuân) nhưng tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng lên tới 48,2ha.

Thời điểm tháng 5/2024, việc thi công tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Thanh Xuân đoạn từ quốc lộ 2 đến sông Cà Lồ. Đoạn giao với quốc lộ 2, các xe tải, máy xúc thay nhau làm việc từ sáng đến chiều. Một làn đường đang tiến hành trải đá, lu ủi để nén mặt.

Đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Sóc Sơn được đánh giá là nút giao thoa quan trọng bởi vị trí gần sân bay Nội Bài, cắt ngang quốc lộ 2 và nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Khi dự án khánh thành sẽ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy giao thông, buôn bán và phát triển kinh tế vùng.

Tại nút giao Vành đai 4 - đường quốc lộ 2, một bên làn đường đã được rải sỏi, đang trong quá trình lu ủi mặt nền. Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang điển hình 120m, gồm thành phần đường cao tốc 6 làn xe.

Sau khi hoàn thiện, đường song hành hai bên sẽ có hành lang cây xanh, công trình hạ tầng - kỹ thuật và phần dự trữ cho tuyến đường sắt quốc gia vành đai. 

Phần lớn dự án chạy qua khu vực đất ruộng, do vậy việc đền bù, giải tỏa khu vực này không gặp nhiều khó khăn. Đường Vành đai 4 còn được đánh giá là tuyến huyết mạch trong phát triển kinh tế của cả nước, cũng như của huyện Sóc Sơn, góp phần kết nối các tuyến đường ở phía Bắc của Hà Nội với các huyện ngoại thành cũng như với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... 

Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội) có chiều dài khoảng 11,2km,chiếm tỷ lệ 19%, đi qua địa bàn 5 xã (13 thôn) gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha (trong đó, đất nông nghiệp 120,3ha; đất ở 7,05ha liên quan đến 428 hộ; đất trường học 1,8 ha liên quan đến 2 trường tiểu học và 1 trường THCS; còn lại là các loại đất khác 11,2 ha), liên quan đến trên 3.000 hộ dân. Chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.000 tỷ đồng.

Những ngày này, công trường thi công dự án Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh rất sôi nổi. Máy móc, thiết bị hoạt động từ sáng đến chiều muộn. Có ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiều công nhân vẫn miệt mài làm việc. Một số đoạn của tuyến ngang cánh đồng đã lộ diện hình hài sau 10 tháng thi công. 

Bà Nguyễn Thị Thủy (người dân xã Văn Khê, Mê Linh) vừa làm đất trồng rau vừa kể lại: "Khi huyện có chủ trương lấy đất chạy qua một phần đất ruộng để làm đường, gia đình bà được bồi thường hơn 100 triệu đồng. Phía cuối đường, đoạn xây chân cầu Hồng Hà bắc ngang sông Hồng, rất nhiều hộ dân chưa di dời bởi chưa thống nhất được tiền bồi thường".

Bà Thủy nói thêm, người dân xã Văn Khê hoàn toàn ủng hộ việc làm đường Vành đai 4 để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhưng đa số người dân nơi đây làm nghề nông, không có của cải tích lũy nhiều. 

Theo UBND huyện Mê Linh, quá trình triển khai giải phóng mặt bằng tại các xã vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Huyện đã đề xuất, xin ý kiến UBND thành phố xem xét cơ chế đặc thù trên địa bàn huyện để sớm hoàn thành việc thu hồi đất ở, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

Hình ảnh 2 đoạn Vành đai 4 đang thi công phải dừng lại do chưa thực hiện xong phương án giải tỏa

Trên công trường gói thầu xây lắp số 8 thuộc dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành địa phận Hà Nội), nhiều máy móc, công nhân hối hả thi công các hạng mục cầu, nền đường trên tuyến chính. Đội công nhân thi công tuyến đường gồm hơn 30 nhân lực làm việc từ 6h - 18h mỗi ngày để đảm bảo tiến độ thi công. Giải tỏa đến đâu, đường sẽ được xây dựng ngay đến đó.

Đối với hạng mục đường tại Mê Linh, phần việc hiện tại trên công trường chủ yếu là cào bỏ lớp đất cũ, đổ đất mới và lu lèn tạo nền đường, đồng thời thi công hạ tầng thoát nước, cống hộp. Còn ở hạng mục cầu, nhà thầu đang thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm cầu. Gói thầu số 8 triển khai xây dựng 13km, trên tuyến có 3 cây cầu. Hiện tại, nhà thầu triển khai 5 mũi thi công đường, 6 mũi thi công cầu.

Các đơn vị đã huy động 600 kỹ sư, công nhân với 32 mũi thi công, trong đó 23 mũi làm đường, 9 mũi làm cầu, để đẩy nhanh tiến độ dự án. Công trường gần như không có ngày im tiếng máy. Mặt bằng giao đến đâu, đơn vị chuẩn bị máy móc, công nhân làm đến đó.

Đoạn Vành đai 4 qua huyện Đan Phượng

Nhìn từ trên cao, tuyến đường Vành đai 4 đã thành hình. Điểm cuối nằm tại xã Hồng Hà là nơi chuẩn bị xây dựng cầu Hồng Hà bắc ngang sông Hồng, nối huyện Đan Phượng và Mê Linh. Cây cầu này dự kiến khởi công và tháng 10/2024. Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành đường song hành Vành đai 4 đúng dịp diễn ra Đại hội lần thứ 18 Đảng bộ thành phố, dự kiến tháng 10/2025. 

Đã từ rất lâu, người dân huyện Đan Phượng di chuyển sang khu vực Mê Linh chủ yếu bằng đường thủy, qua sông Hồng. Dự án đường Vành đai 4 với điểm cuối của Đan Phượng là cầu Hồng Hà vượt sông Hồng sẽ giúp việc giao thương buôn bán giữa hai huyện trở nên dễ dàng, đồng thời kết nối với các địa phương khác thúc đẩy kinh tế vùng phát triển. Cầu Hồng Hà sau khi được xây dựng còn giúp giải quyết tình trạng ùn tắc cho cầu Thăng Long.

Đường Vành đai 4 tại khu vực Đan Phượng có chiều dài 6,3km, qua 4 xã Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và thị trấn Phùng.

Thời điểm này các nhà thầu đang triển khai thi công đường song hành. Đến tháng 3/2024, huyện này đã giải phóng hoàn thành 70,47/72,4ha diện tích dự án trên địa bàn huyện, đạt tỷ lệ 97,33%. 

Đoạn Vành đai 4 đến chân cầu Hồng Hà chưa giải quyết xong đền bù, giải phóng mặt bằng

Tuy vậy, quá trình triển khai dự án trên địa bàn huyện Đan Phượng còn gặp một số khó khăn như: chủ sử dụng đất qua đời, các thành viên trong gia đình đang làm thủ tục phân chia tài sản, dẫn đến khó khăn trong việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Bên cạnh đó, với một số thửa đất, cụm dân cư đã giao đất trái thẩm quyền trong các năm 2001 và năm 2011, hiện tại không có hồ sơ chứng minh nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách. Ngoài ra, một số hộ ở xã Hồng Hà có diện tích đất ở phải thu hồi lớn (từ trên 300m2 đến 800m2). Theo quy định hiện hành của thành phố, các hộ chỉ được giao đất tái định cư không vượt quá hạn mức giao đất ở mới, trong khi họ đã đề nghị bồi thường bằng diện tích đất ở tương ứng. Những khó khăn này, huyện Đan Phượng đang báo cáo UBND TP Hà Nội để có hướng tháo gỡ.

Bản đồ Vành đai 4 nối Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh