Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có tổng lượng mưa từ 140-270 mm; đến ngày 4/5/2024, có 208/610 hồ chứa đầy nước, còn lại 402 hồ có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường;… 

Dự báo, từ nay đến tháng 6, nhiệt độ khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), mực nước trên các sông biến đổi chậm theo xu thế xuống thấp dần và ở mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ; mặn có thể xâm nhập sâu vào nội địa và độ mặn có khả năng ở mức cao hơn so với TBNN cùng kỳ và xấp xỉ cùng kỳ năm 2023.

Tại Nghệ An, dự báo vụ Hè Thu 2024, do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt tiếp tục xảy ra và thiếu hụt lượng mưa nên nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước và khô hạn kéo dài. Bởi từ đầu năm đến nay lượng dòng chảy trung bình trên các sông khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp hơn so với TBNN, nắng nóng xuất hiện sớm.

han han Nghe an TN MT.jpg
Nghệ An chỉ đạo chủ động trong phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ảnh minh họa: baotainguyenmoitruong

Trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, thiếu nước đang là nỗi lo của nhiều gia đình ở Yên Minh, Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Có hộ dân hiện mỗi tháng phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng để mua một xe nước 8m3 về sinh hoạt.  

Trong hơn 50ha diện tích đất sản xuất của riêng thôn Nà Hảo, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh cho đến vụ Xuân Hè năm nay, người dân thống kê cũng đã có tới 24ha diện tích không chủ động nguồn nước.

Trước đó, giai đoạn cuối tháng 4, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, đỉnh điểm của hạn hán, thiếu nước vào cuối tháng 4 đối với khu vực Tây Nguyên; giữa tháng 5 đối với vùng Đông Nam Bộ, mùa khô ở Trung Bộ kéo dài đến hết tháng 8/2024.

Những ngày qua, trên địa bàn Đồng Nai và một số địa phương vùng Đông Nam Bộ đã có mưa, nhưng lượng mưa còn thấp, rải rác một số nơi. Tổng lượng mưa trong mùa khô phổ biến thấp hơn TBNN dẫn đến khả năng thiếu nước ngọt cho đời sống và cây trồng. Dự báo, thời tiết trên địa bàn Đồng Nai còn tiếp tục nắng nóng gay gắt. 

Chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Ngay sau khi Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhiều địa phương đã có chỉ đạo các Sở, ngành và UBND cấp huyện chủ động triển khai các giải pháp ứng phó.

w han man tien giang nguyen.jpg
Mực nước tại các kênh, rạch nội đồng ở Tiền Giang cạn kiệt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cũng như đời sống sinh hoạt của các hộ dân. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước để cập nhật phương án, kế hoạch cho phù hợp; phối, kết hợp chặt chẽ từ cơ sở đến các cấp, ngành để chỉ đạo ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết phức tạp xảy ra. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Theo chính quyền tỉnh này, trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp…

Tương tự, ngày 3/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng nhấn mạnh, Sở NN&PTNT chủ động, kịp thời tổ chức theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân vùng ảnh hưởng. Cùng với đó, chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Đồng thời, Sở chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. 

Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các địa phương cấp xã tổ chức ra quân, huy động Nhân dân thực hiện công tác nạo vét kênh mương, bể hút của các trạm bơm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước hồi quy, đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước để phục vụ sản xuất. 

bo doi cong an mang nuoc de.jpg
Lực lượng bộ đội bơm nước vào bồn đi cấp cho người dân. Ảnh: CTV

Tỉnh miền núi Hà Giang yêu cầu Sở NN&PTNT đẩy mạnh thi công các dự án cấp nước sạch đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân nhất là đối với 4 huyện vùng cao núi đá. 

Chính quyền tỉnh nhấn mạnh, việc đưa ra các giải pháp căn cơ, tích cực giúp đảm bảo ổn định cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, công tác tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát sẽ góp phần giúp chính quyền cũng như người dân chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi, các địa phương tiếp tục triển khai giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản nguồn nước, phương án ứng phó, cấp nước cho người dân và sản xuất.

T.An