30 năm bền bỉ đưa tiếng Việt vào Havard (Mỹ)

Thầy giáo Ngô Như Bình đang sống ở Mỹ. Suốt 30 năm qua, công việc của thầy là giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Harvard. Thông qua đó, thầy truyền tình yêu với văn hóa, tiếng Việt đến sinh viên, những người yêu quý Việt Nam và các kiều bào trẻ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài.

Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy luôn trăn trở với công tác dạy và học tiếng Việt, để tiếng Việt thực sự phát triển và lan tỏa.

Sinh ra trong gia đình trí thức ở phố Hàm Long (Hà Nội), thầy Ngô Như Bình trở thành sinh viên xuất sắc của Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1968 - 1973) và ở lại làm giảng viên Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1973 - 1978). Tiếp đó, thầy đi học nghiên cứu sinh chuyên ngành lý thuyết ngôn ngữ tiếng Nga tại Viện Tiếng Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Moscow (Liên Xô). 

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thầy Ngô Như Bình có khoảng thời gian 12 năm giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Lomonosov (Liên Xô). Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Đại học Lomonosov mời một số giáo sư đại học của Mỹ sang giảng dạy. Trong những cuộc nói chuyện, các giáo sư Mỹ cho biết nhiều trường đại học ở Mỹ cần giảng viên dạy tiếng Việt.

Năm 1992, thầy Bình nộp đơn ứng cử vị trí người dạy tiếng Việt cho Học viện Đông Nam Á khóa học mùa hè (SEASSI) tổ chức tại Đại học Washington ở Seattle và trúng tuyển.

Đang giảng dạy tại SEASSI, được tin Đại học Harvard tuyển người dạy tiếng Việt, thầy quyết định nộp đơn thử nhưng không ngờ đỗ thật và gắn bó cho đến khi về hưu.

Ngoài giảng dạy tiếng Việt tại Harvard, thầy Ngô Như Bình còn có nhiều buổi thuyết trình về tiếng Việt cho sinh viên tại Việt Nam. Thầy luôn nhấn mạnh, tiếng Việt là trí tuệ, là linh hồn và là tâm hồn của người Việt Nam. Song, tiếng Việt cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức như mất bản sắc dân tộc, viết - nói sai chính tả, lỗi ngữ pháp...

Về tình hình dạy tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào ở Mỹ, thầy cho biết, trong tất cả các gia đình gốc Việt, các bậc cha mẹ, ông bà đều cố gắng dạy con cháu mình nói tiếng Việt ở những mức độ khác nhau, giúp các cháu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, phong tục Việt Nam.

Tuy nhiên, vì phải dùng tiếng bản địa trong sinh hoạt, học tập hàng ngày nên cơ hội dùng tiếng Việt của các cháu hạn chế. Thầy Bình mong muốn các gia đình sẽ tạo điều kiện, tạo môi trường nói tiếng Việt tốt nhất, để con em có cơ hội sử dụng và duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tham gia các cộng đồng nói tiếng Việt. Như vậy, tiếng Việt mới thực sự được duy trì bền vững, trở thành sự kết nối giữa kiều bào với Tổ quốc.

Thầy Ngô Như Bình cũng đã xuất bản hơn chục đầu sách và giáo trình dạy tiếng Việt cho người bản ngữ tiếng Anh ở cấp đại học và giáo trình dạy tiếng Anh - Mỹ cho người bản ngữ tiếng Việt. Thời điểm này, thầy đang viết một cuốn sách dạy tập đọc dành cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai học tiếng Việt ở các trường đại học tại các nước nói tiếng Anh.

Cuốn sách có 15 chủ đề và tất cả tư liệu đều được lấy từ báo chí trong nước. Thầy đã viết xong 4 chương và đang viết chương 5. Dự kiến cuốn sách sẽ hoàn thiện bản thảo vào tháng 9 năm nay. 

Trong chuyến về Việt Nam tham dự Chương trình Xuân Quê hương 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức đầu tháng 2/2024, thầy Bình đã tranh thủ chụp rất nhiều hình ảnh để đưa vào sách và tìm thêm tư liệu để nội dung sách phong phú, hấp dẫn hơn.

Nỗ lực lan tỏa tiếng Việt ở Trung Quốc

Cộng đồng kiều bào ta ở Trung Quốc ước tính hơn 40 nghìn người. Nhiều người trong số họ đang giảng dạy tiếng Việt tại các trường đại học. Họ đã giúp người dân Trung Quốc hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, đóng góp vào sự hợp tác giữa 2 nước. 

Anh Nguyễn Đình Hòa từng là một du học sinh đến Trung Quốc vào năm 2013. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, anh tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Tây Nam, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc).

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, anh Hòa được Đại học Sư phạm Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) mời về giảng dạy bộ môn Tiếng Việt.

Trong các tiết học, anh thường giảng giải về ngữ pháp tiếng Việt, giới thiệu về văn hóa và ẩm thực Việt Nam cho sinh viên Trung Quốc, để họ hiểu và yêu Việt Nam nhiều hơn. Các tiết học không bị khô cứng nhờ phương pháp truyền tải sinh động, dẫn chứng thực tế về địa danh, điểm đến và văn hóa Việt Nam. 

Nhiều sinh viên của anh Hòa khi có thời gian đều sắp xếp đến Việt Nam du lịch, khám phá và trải nghiệm. Những kiến thức được học trên lớp giúp họ tự tin giao tiếp với người dân Việt Nam.

Đối với anh Hòa, việc giảng dạy như gieo những hạt giống tâm hồn và vun đắp cho những hạt giống ấy nảy nở, đơm hoa kết trái, góp phần quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. 

Trong thời gian theo học tại Đại học Tây Nam, anh Hòa đã gặp cô gái Trung Quốc - Ngụy Du. Họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và tiến tới cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hiện, hai vợ chồng anh đã định cư ở Nam Ninh và có một cô con gái.

Anh Nguyễn Đình Hòa cũng chú trọng dạy tiếng Việt cho con gái từ khi còn nhỏ, để khi về thăm quê nội có thể giao tiếp và am hiểu về văn hóa Việt Nam nhiều hơn. Đồng thời, cho con học tiếng Việt, anh muốn tạo cảm hứng cho con em gốc Việt ở Trung Quốc học tiếng mẹ đẻ. 

Quỳnh Nga