Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, một lượng bao bì nhựa trị giá 80 – 120 tỷ USD/năm bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do không được tái chế. Ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.

Cùng với xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải.

Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Định hình được nhân tố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tăng cường quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Bởi vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024) đã quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

W-racthai.png
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, một lượng bao bì nhựa trị giá 80 – 120 tỷ USD/năm bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do không được tái chế.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, quy định EPR là động lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy nền công nghiệp tái chế và Việt Nam sớm đạt mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững. Nếu các giải pháp thực hiện đồng bộ, thì ngành tái chế của Việt Nam sẽ phát triển như một mũi tên trúng 2 đích, vừa góp phần giảm chất thải ra môi trường, vừa tạo nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm và hạn chế nhập khẩu các nguyên liệu từ nước ngoài.

Đã có hàng chục cuộc hội thảo đối thoại, tham vấn, lấy ý kiến của các nhà sản xuất, nhà tái chế, nhà quản lý, giới khoa học cũng như rất nhiều các hội thảo phổ biến, tập huấn cho các nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà tái chế được tổ chức ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. 

Tại tọa đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi”, các diễn giả đã đánh giá thực hiện EPR sẽ góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 

Bởi EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới. EPR được coi là một công cụ quan trọng trong quản lý chất thải rắn, là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. 

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi Trường, thời điểm này là một cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng mà chất thải đặt lên cộng đồng nơi họ sản xuất kinh doanh và cũng nhằm mục đích đạt được phát triển bền vững cho mô hình doanh nghiệp.

“Đối với các nhà tái chế, thì đây là một cơ hội có thể nói là rất tốt chưa từng có vì họ sẽ có thêm nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tài chính từ EPR, bên cạnh nguồn từ sản xuất kinh doanh.”

Nhìn từ kinh nghiệm triển khai EPR từ quốc tế, ông Hoàng Thành Vĩnh, Cán bộ chương trình phụ trách Chất thải và Kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam cho rằng cần sớm ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) và quy định về quản lý nguồn lực EPR; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp tự thu gom tái chế.
Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Việc thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Nhóm PV