Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 7/5, Vũ Quỳnh Anh (SN 1995, Điện Biên) đã có phần phát biểu chia sẻ suy nghĩ, cảm tưởng của thế hệ trẻ về sự kiện trọng đại của đất nước.

Vũ Quỳnh Anh hiện là chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

z5417485886658 abe755e78cbbf0a7720a0e3f610ded03.jpg
Vũ Quỳnh Anh đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Quỳnh Anh cho biết, rất vinh dự khi được đại diện cho tuổi trẻ cả nước bày tỏ cảm xúc của mình. May mắn được sinh ra trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, có ông bà là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quỳnh Anh nói, từ những câu chuyện, thước phim và lời kể của ông bà, Điện Biên Phủ là vùng đất "huyền thoại".

Đó là nơi chứng kiến tinh thần quật cường, anh dũng của quân và dân ta với "56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm; mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non; gan không núng, chí không mòn".

Quỳnh Anh chia sẻ, trang sử hào hùng về Điện Biên Phủ năm xưa đã cho mình niềm tin yêu, tự hào về mảnh đất mình được sinh ra, lớn lên, về trách nhiệm luôn khắc ghi trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp.

Đó cũng là những hành trang quý giá, giúp cô có thêm động lực khi trở thành một cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

z5417473516045 9152a6e93d65bda5adfd7e0179777982.jpg
Quỳnh Anh tri ân ở Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Trong bài phát biểu, Quỳnh Anh bày tỏ: “Thế hệ trẻ chúng cháu ý thức sâu sắc rằng, mỗi thành quả chúng cháu được thụ hưởng ngày nay được đánh đổi bằng máu xương của các bậc tiền bối cách mạng và hàng triệu người con Việt Nam...

Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...

Thế hệ trẻ chúng cháu rất vinh dự và nguyện dốc sức, mang khát vọng thanh xuân hòa cùng với khát vọng chung của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc", Quỳnh Anh nói.

Tự hào có ông bà ngoại đều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Chia sẻ với VietNamNet, Quỳnh Anh cho hay, bản thân vinh dự, tự hào và xúc động khi được lựa chọn đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cô cũng xác định đây là một nhiệm vụ, trọng trách mình được tin tưởng giao phó và cần thực hiện tốt nhiệm vụ này.

“Sau mỗi buổi duyệt và những lời góp ý, tôi cố gắng làm sao từng câu, từng chữ trong bài phát biểu cũng như cách thể hiện thật gần gũi, cảm xúc nhưng vẫn truyền tải được sự tri ân của thế hệ trẻ đối với các bậc tiền bối cách mạng và khẳng định trách nhiệm của thế hệ trẻ là tiếp bước cha anh viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.

Tôi cũng cố gắng dành thời gian đào sâu nghiên cứu viết bài, sửa bài để chỉ trong một thời gian giới hạn nhưng bài phát biểu vẫn toát lên được tình cảm của một người con Điện Biên. Đồng thời, bài phát biểu cũng có thể nói lên được tình cảm, sự trân trọng lịch sử và mong muốn mang khát vọng của thế hệ trẻ hoà chung khát vọng của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị một tinh thần, tâm thế thật bình tĩnh, tự tin để có thể hoàn thành tốt bài phát biểu”.

z5417474949278 bfeba4a17d31870616ccaf601ea55f18.jpg
Quỳnh Anh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quỳnh Anh chia sẻ, từ nhỏ đã luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Cô cũng may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, khi có ông nội là lão thành cách mạng, ông ngoại là chiến sĩ Điện Biên, bà ngoại là dân công hoả tuyến phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. 

Quỳnh Anh chia sẻ thêm, nhà ông hiện nay nằm ngay chân suối cạn, nơi từng là hàng rào dây thép gai vòng ngoài của trung tâm đề kháng Him Lam năm xưa. 

“Ông tôi năm nay đã 94 tuổi, nhưng những ký ức về “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm" vẫn nhớ rất rõ. Ông cũng thường kể cho tôi về những ngày tháng kỳ tích ấy. Đó là về trận đánh đầu tiên mở màn chiến dịch tại cụm cứ điểm Him Lam với quyết tâm “trận đầu phải thắng”.

Những ngày sau đó, trung đoàn của ông được lệnh đào hào chia cắt sân bay Mường Thanh. Đó là những ngày mưa liên tục, ông và đồng đội của mình chỉ ăn gạo rang, uống nước, tiểu đội 3 người dựa lưng vào nhau lấy hơi ấm, dưới hào là bùn non, là nước, thậm chí cả máu trộn lẫn. Nhưng tinh thần của ông và đồng đội không hề nao núng…”, Quỳnh Anh nói.

Cô gái trẻ cho hay, những câu chuyện về lịch sử, về những năm tháng gian khổ, tinh thần chiến đấu anh dũng của ông cha ta sẽ mãi là những tấm gương mà những người con, người cháu như cô khắc ghi và lấy làm động lực, hành trang cho cô trong cuộc đời.

Tiết học Lịch sử khác lạ vào sáng 7/5

Tiết học Lịch sử khác lạ vào sáng 7/5

Thay vì giảng bài theo sách giáo khoa như thường lệ, thầy giáo quyết định cho các học sinh xem chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được phát sóng trực tiếp tái hiện lịch sử.